1. Ăn uống
– Gà: Phụ thuộc người cho ăn. Sáng trưa chiều luôn được cho ăn. Không lo bị đói. Cái này gọi là “sướng, nhàn, ổn định”.
– Đại bàng: Tự thân vận động, chẳng phụ thuộc ai. Sáng sớm chưa biết hôm nay sẽ ăn được gì. Bắt đầu đánh cược với mưu sinh. Có bữa bắt được con mồi to, ăn muốn lòi họng. Cũng có bữa đói xanh mặt.
2. Chỗ ở
– Gà: Được cung cấp chỗ che mưa che nắng, thích thú với chuồng đẹp, chuồng to hơn. Sáng thức dậy ra khỏi chuồng đi vòng vòng, chạng vạng là vô lại ngủ. Cái ngày gà gọi là “an cư lạc nghiệp”.
– Đại bàng: Không nơi đâu là nhà. Nay sống hẻm núi này, mai sống ở vực sâu kia, mốt ở đại ngàn nọ. Không thích sống cố định 1 nơi. Ưa bấp bênh, sống một đời phóng khoáng, tự do.
3. Địa bàn cư trú
– Gà: Gà nghèo thì ở cái chuồng nhỏ, giàu thì ở cái trang trại lớn hơn tí xíu, nhưng luôn có lưới rào. Khi mưa gió vào chuồng ngay. Nửa đêm có khi bị tóm bởi bọn trộm gà.
– Đại bàng: Mênh mông, không có giới hạn về địa lý. Khi có giông bão, lập tức bay ra kiếm mồi vì đây là lúc dễ kiếm nhất. Chưa có khái niệm “trộm đại bàng”.
4. Rủi ro
– Gà: Gà có giá trị sử dụng như đồng hồ báo thức, đẻ trứng, truyền giống, cung cấp thực phẩm. Chủ cải thiện đời sống hay có khách tới chơi là vặt lông làm thịt. Kẹt tiền là bị cột chân ra chợ trao đổi hàng hoá…
– Đại bàng: Buộc phải lao động, nếu không sẽ bị đào thải. Nếu kém cỏi, phán đoán kém, ít kinh nghiệm sẽ bị súng săn pằng pằng. Nếu kiếm mồi dở sẽ bị đói giơ xương. Cuối đời là bỏ xác giữa một nơi nào đó giữa đại ngàn, sau mấy chục năm tung cánh.
5. Tính cộng đồng
– Gà luôn ồn ào, con đực gáy, con mái cục tác, lúc nào cũng đông vui. Gia tộc, bạn bè xúm xít chè chén quanh đĩa thức ăn, bàn chuyện thời sự về mấy con gà hàng xóm. Nghĩ chuyện cơ bản như tranh ăn cả ngày. Lúc nào cũng kèn cựa, tức tối vì con kia gáy hay cục tác to hơn (bởi thế mới có câu “gà tức nhau tiếng gáy”). Nóng máu đòi quánh nhau, chủ nó thấy có “tố chất” bèn bồi dưỡng thành “gà đá”.
– Đại bàng lúc nào cũng lặng lẽ. Cô độc. Mốt bây giờ gọi là nỗi cô đơn thượng lưu…
Từ câu chuyện gà và đại bàng, bạn hãy ngẫm một chút xa hơn…
Sưu tầm