Trang chủTản mạnTam xế diễn nghĩa

Tam xế diễn nghĩa

Sau khi thời kỳ xe đạp lụi tàn ngành vận chuyển của đất nước bị chia ra làm ba thế lực lớn. Ba thế lực này không ngừng tranh đấu nhằm tiêu diệt lẫn nhau để thống nhất giang sơn. Theo sử sách thì đây là thời kỳ đẫm máu nhất lịch sử.

Ở phía Bắc thủ đô thế lực mạnh nhất lúc bấy giờ là Xeom. Xeom là tập hợp những nhà lãnh đạo già cỗi đã sống xuyên suốt từ thời Xe Đạp, họ có kinh nghiệm chinh chiến và những mánh khoé tài tình. Cách bày binh bố trận để đưa Địch vào tròng của họ chưa bao giờ thất bại. Họ mặc sức “chém”, “cắt cổ” bất cứ ai họ gặp trên đường. Đó là thời kỳ hoàng kim của Xeom, đế chế nào cũng cần có người lãnh đạo. Sau nhiều cuộc tranh giành địa vị Tào Ôm đã thống nhất toàn bộ giới Xeom đóng đô ở trung tâm Hà Nội lập tên bang hội là Xe Ôm Truyền Thống (XOTT).

Trước sự hoành hành của XOTT các thế lực nổi dậy bắt đầu vùng lên phản kháng chống lại sự ngang tàng, độc đoán của Tào Ôm. Với sự hỗ trợ quân lương từ ngoại bang hai thế lực đối trọng với Tào Ôm lúc đó phải kể đến là Lưu Ráp và Tôn Ber.

Lưu Ráp là một nông dân áo vải nhưng có xuất thân COCC. Dựa vào nhân thân tốt Lưu Ráp quy tụ những thanh niên trai tráng, có sức khoẻ, có học vấn dưới chướng. Chính vì Lưu Ráp đối nhân xử thế khôn khéo, mang tính nhân văn cao nên rất được lòng dân. Chỉ trong một thời gian ngắn mà quân đội của Lưu Ráp phát triển một cách chóng mặt. Các tướng tài vì mến mộ Lưu Ráp nên một lòng trung thành. Điểm nổi bật của Lưu Ráp lúc đó là quân sư vang danh thiên hạ Gia Cát Smartphone. Có quân sư giỏi trong tay quân của Lưu Ráp đón khách ở đâu được ở đấy. Vì làm ăn minh bạch nên Lưu Ráp dần dần chiếm lấy phần miền Tây của thủ đô Hà Nội. Sau khi đủ tài lực Lưu Rap cũng đã thành lập Bang Hội lấy tên là Grab Bike.

Phía Đông thủ đô thì do Tôn Ber làm chủ. Trước sự phát triển nhanh chóng của Lưu Ráp và việc Tào Ôm đang nhăm nhe thôn tính mình. Tôn Ber đã tự mình huy động quân lực sẵn có từ đời ông cha để lại. Vốn dĩ Tôn Ber không muốn tranh giành thị phần với Tào Ôm và Lưu Ráp. Nhưng nếu ko làm mình mạnh lên thì trước sau Tôn Ber cũng sẽ bị nuốt chửng. Nhờ gia thế khủng bố, cùng dàn tướng trẻ, thông minh hơn người Tôn Ber củng cố lại miền Đông thủ đô. Lập thành Bang Hội thứ ba của Hà Nội, lấy biệt hiệu là Uber.

Hà Nội thời chiến quốc lúc bấy giờ hình thành thế Chân Vạc: XOTT – Grab Bike – Uber.

Chiến tranh xảy ra liên miên, dân chúng rơi vào cảnh xem các bang hội thanh toán đẫm máu ngay trên đường, tại các bến xe, các tụ điểm nóng. Các trận chiến lưu danh sử sách phải kể đến là:

  • Trận Mỹ Đình là trận XOTT của Tào Ôm đánh lại liên minh Grab – Uber của Lưu- Tôn.
  • Trận Gia Lâm là trận đánh tranh giành miếng cơm manh áo của Tào Ôm và Lưu Ráp.
  • Trận Hồ Gươm là trận đánh nảy lửa trên bờ hồ khi mà Tào Ôm lại một lần nữa phải chống lại liên minh Ráp – Ber. Mà lần đó phương tiện của XOTT bị thiêu gần sạch.

Qua một vài trận đánh lớn có thể thấy ba Bang Phái không đội trời chung. Bề ngoài thì có vẻ Grab và Uber là liên minh nhưng sau lưng cắn nhau lúc nào không biết. Điều đó được chứng minh bằng việc lợi dụng lúc Grab sơ hở, Tôn Ber đã sai đệ đi móc lốp giết tướng của Lưu Ráp. Cuối cùng vì nóng lòng muốn trả thù mà Lưu Ráp đã chết sau một trận đánh long trời nở đất với Tôn Ber.

Thấy tình hình không ổn, sau khi Lưu Ráp chết Gia Cát Smartphone đã nghị hoà với Tôn Ber. Đưa ra kế sách: “Bắc cự Truyền Thống – Đông hoà Uber”.

Thế Chân Vạc lại được duy trì. Dù kết quả có ra sao nhưng không thể phủ nhận đây là thời kỳ hoàng kim của ngành vận chuyển Việt Nam. Lịch sử sẽ gọi tên ai trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế khốc liệt này. Hi vọng chúng ta sẽ sớm được biết.

Lê Tường

- Advertisement -
Huỳnh Mai Anh Kiệt
Huỳnh Mai Anh Kiệthttps://anhkiet.biz
Anh là một người đam mê công nghệ. Hiện tại anh là một lập trình viên cho Hura Apps - một startup nhỏ về công nghệ tại Quy Nhơn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

- Advertisment -

BÀI VIẾT MỚI

BẠN XEM CHƯA