Trang chủTản mạnAnh khiếm thị, người nước ngoài và tôi

Anh khiếm thị, người nước ngoài và tôi

Sài gòn mưa chiều nhanh như tia chớp, chỉ kịp trốn vào dưới mái hiên một quán bên đường, mái hiên hẹp chỉ đủ ba chỗ trú: anh khiếm thị, người nước ngoài và tôi. Khi vừa nhào đến thì vừa chạm cảnh anh nước ngoài đang kéo anh khiếm thị vào dưới mái che. Anh khiếm thị sờ phải cánh tay lông lá của ân nhân thì câu chuyện bắt đầu:

– Ah, you are foreigner?
– Yes, I am.
– Where do you stay?
– I stay in that hotel (chỉ tay về phía khách sạn năm sao; xong nhận ra mình hớ; nhưng có vẻ cũng không muốn đính chính)
– I know that hotel!
– Oh, really! What do you do?
– I sell lottery ticket. You want to buy?
– No, I don’t want to buy! When was you blind?
– When I was 5.
– Oh, the world has completely changed since then (nói rít trong cuống họng á)
– Was you sad?

Tôi tạm cắt ngang đối thoại của họ ở đây để chia sẻ tâm trạng của bạn đọc; tôi cũng như bạn, thấy ông nước ngoài này thật là lẩn thẩn … Lúc đó là 3 giờ 45 với xấp vé số chưa bán, mưa tối trời, và thân phận một người khiếm thị (anh này nhìn được ở cự li cực ngắn) …

Hỏi về quá khứ anh ấy có buồn không ư, lạ thế!

Nhưng câu trả lời sai văn phạm đã đánh lạc hướng chúng tôi:

– I AM HAPPY! I LIVE.

Người nước ngoài quay sang tôi cầu cứu, tôi ngại ngùng nhìn đăm đăm vào chùm đèn sảnh khách sạn nơi anh ta trú ngụ vừa bật sáng. Anh ta nhìn xuống chân, di di giày trên vỉa hè và chắc chắn rằng ngay cả đường sá ở xứ này; rất nhiều đoạn, chỗ chúng tôi đứng cũng thiếu những viên gạch lát có rãnh chạy suốt để giúp đầu gậy của người khiếm thị định vị họ đi trên 1 đường thẳng. Ông ta nhẩm lại, như nói với chính mình:

– You are happy!

Trong một diễn biến khác, tôi vừa đánh rớt 2 vị trí quản lí nhà hàng với mức lương hàng tháng bằng mấy chục xấp vé số trên tay người khiếm thị. Vì 2 ứng viên ấy nói tiếng Anh quá kém, và tệ hơn là họ chẳng tỏ ra muốn cố gắng để học hỏi.

Trong tình huống tôi được chứng kiến, tôi hoàn toàn nhất trí cách anh chàng khiếm thị bỏ qua phần ca thán thân phận nhằm bán vé số, hay lo lắng việc ế vé số … có vẻ anh ấy nhanh chóng nhận ra việc thay đổi tình huống là không thể, và chụp ngay cơ hội để thực tập tiếng Anh; mà cứ theo đầu óc con buôn của tôi, thì mỗi giờ tôi luyện giao tiếp cho học sinh kiểu one on one như thế là 45 usd! (tôi ráng liếc mắt đếm xem có được 90 cái vé trên tay anh ta không, và liệu có vé nào sẽ trúng giải an ủi, và xác xuất vé an ủi là bao nhiêu … trong khi họ rỉ rả trò chuyện) Chắc chắn không phải lần đầu anh ấy chơi lớn. Nghe tiếng Anh của anh ấy thì cũng biết là chịu khó thực tập rồi.

Mười năm nữa, nếu không có biến cố gì lớn xảy ra, mà tôi gặp lại người khiếm thị ấy, tôi nghĩ anh ấy hẳn là người thành đạt. Người biết mình hạnh phúc, luôn có thể đến gần với thành công. Điều ấy, tôi chắc.

Tôi kể câu chuyện này với các bạn vì chúng ta, trong đó có tôi cứ hay quen nhận định về mọi thứ theo cách mình suy luận. Có những thứ rất hiển nhiên, nhìn thấy rõ ràng, chưa hẳn đã đúng với điều mình nghĩ. Tại sao chúng ta muốn bênh vực nông dân thì phải mạt sát người buôn bán, vì sao muốn bảo vệ thương hiệu này lại phải hạ thấp một thương hiệu khác, muốn yêu mến thần tượng của mình thì người ấy phải ở vị trí đầu bảng. Chúng ta, trong đó có tôi, chưa học được cách nói của người khiếm thị nọ: như tiếng nhạc rơi trong mưa, như hạt nước rớt xuống từ trời mặc kệ sẽ va vào đâu, như một lời thầm thì với cuộc sống mà quyết liệt như thể tuyên ngôn: I am happy!

P/S. Đêm qua tôi đã mơ thấy tiếng dương cầm rơi theo hạt mưa khuya.

Theo Chuong Dang

- Advertisement -
Huỳnh Mai Anh Kiệt
Huỳnh Mai Anh Kiệthttps://anhkiet.biz
Anh là một người đam mê công nghệ. Hiện tại anh là một lập trình viên cho Hura Apps - một startup nhỏ về công nghệ tại Quy Nhơn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

- Advertisment -

BÀI VIẾT MỚI

BẠN XEM CHƯA