Nếu bây giờ đặt câu hỏi: “Phần mềm Việt Nam đầu tiên bán ra nước ngoài vào năm nào?” thì chắc rằng 99.99% mọi người đều đưa ra câu trả lời không đúng.
Những ai thông thạo lĩnh vực phần mềm xuất khẩu đều biết rằng 3 công ty làm gia công phần mềm (Software outsourcing) đầu tiên của Việt Nam là Quantic, PSV và TMA được thành lập vào các năm 1991, 1995 và 1997. Ngay cả khi đã biết thông tin này thì vẫn rất ít người trả lời đúng.
Thật bất ngờ là phần mềm Việt Nam đầu tiên được bán ra nước ngoài là từ 30 năm trước, năm 1988, mà lại bán được gần 35 bản cho 35 khách hàng tại Đức, với doanh số gần 50.000 Denmark (tiền Đức). Đó là phần mềm nhận dạng chữ DOCR, sản phẩm được phát triển bởi viện Tính toán & Điều khiển (TT&ĐK), nay là viện CNTT, có sự hợp tác và đầu tư tài chính của nhóm Việt kiều Tây Đức (anh Thung và anh Nguyên). DOCR do GS TS Hoàng Kiếm chủ trì, thành viên có Nguyễn Văn Điện và Giang Vũ Thắng (viện TT&ĐK), Trần Đức Hiếu và Đỗ Cao Bảo.
Năm 1989, DOCR đã tham dự và trình diễn tại triển lãm Hanover (Đức) và gây được tiếng vang lớn, được các nhà chuyên môn xếp vào 4 sản phẩm đứng đầu thế giới trong lĩnh vực nhận dạng chữ. Cuối năm 1989 anh Bảo và anh Hoàng Kiếm đã được mời sang Frankfurt 1 tháng để nâng cao chất lượng của hệ DOCR, anh Thung có cho anh Bảo xem các quảng cáo về DOCR đăng trên các tạp chí IT của Đức.
Năm 1991 anh Đỗ Cao Bảo quyết định rời nhóm DOCR tập trung cho FPT, anh Hoàng Kiếm vào đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, thành thử DOCR và việc xuất khẩu DOCR bị chững lại. Sau này TS Lương Chi Mai dựng lại nhóm và phát triển hệ VnDOCR dành cho thị trường Việt Nam và chị mới thông báo hiện đã có cả hệ nhận dạng tiếng nói chất lượng không thua kém hệ nhận dạng tiếng nói của Google.
Rất thú vị là nhận dạng chữ chính là một thành phần của trí tuệ nhân tạo AI, hạt nhân của Cách mạng công nghiệp 4.0. Hoá ra chúng ta đã làm AI từ hơn 30 năm trước.
Theo CaoBao Do