Cũng mới tập tò bộ môn nghệ thuật này nên cũng chịu khó tìm hiểu thông tin. Ui chao! Bài viết thì nhiều vô số kể nên việc bắt đầu từ đâu cũng là vấn đề nan giải. Hôm nay vô tình đọc được bài viết này trên 1 trang blog Bút Chí Cùn thấy hay nên mạn phép share lại cho anh em đọc nếu vô tình tìm thấy blog của mình trước blog kia :Happy-Grin:
Trong lúc chơi ảnh thì cái gì là quan trọng? máy, lens, kỹ năng, thời điểm hay hậu kỳ?? Với mình thì cái nào cũng quan trọng ngang nhau.
Máy ảnh: Thiết bị tốt chắc chắc cho ra ảnh đẹp hơn, nếu cảm thấy không phù hợp thì cũng nên đổi thiết bị, mỗi cái đều có cái hay riêng và phục vụ riêng, không nên so sánh quá khập khiễng hay tự hào quá đáng về thiết bị mình đang dùng, mở lòng ra bạn sẽ thấy cái hay của thiết bị khác và đương nhiên sẽ có thêm kiến thức. VD: Mình rất thích Canon ở màu da, Nikon để chụp cảnh và độ “trâu” nhưng thực sự nó hơi to với mình khi chụp đời thường và ngại cầm ra đường để chụp vì mỏi tay quá, nhưng bạn có thể thích Canon ở lý do khác thì cứ vô tư, người ta quan tâm đến tấm ảnh, không quan tâm đến cái bạn đã cầm đâu. Tuy nhiên trước khi đi chụp nhớ chuẩn bị đủ pin, dây đeo tay, đủ tiêu cự lens cần thiết…
Ống kính: Khi mới chơi mình rất ngỡ ngàng và điên với nhiều thông số cũng như tính chất của từng hãng, và lời khuyên của cá nhân mình là bạn nên chơi 1 tiêu cự cố định (ống prime hay còn gọi là ống fixed ) để tăng khả năng di chuyển và chọn góc chụp, việc siêng năng di chuyển với ống fixed sẽ cho bạn những tấm ảnh tuyệt hảo. Có những nhiếp ảnh gia nổi tiếng cả đời chỉ chơi 1 tiêu cự và mình tin vào việc master 1 tiêu cự sẽ rất tốt. Để biết mình thích tiêu cự nào thì bạn có thể sử dụng ống kit của mình và không zoom, ngày thứ 1 để ở 18mm, ngày thứ 2 để ở 35mm , ngày thứ 3 để ở 55mm, bạn sẽ hiểu mình thích tiêu cự nào hơn và nên hào phóng cho ống kính đắt tiền, bạn sẽ không hối hận đâu. Mình thích đầu tư vào Thuỷ tinh và những thứ trong suốt, thực tuyệt.
Kỹ năng: Không ai có thể giỏi ngay bất cứ thứ gì, và bạn nên xem qua quy tắc giỏi bất cứ môn gì với 10.000h nên học hỏi những bạn chụp được những tấm ảnh đẹp, nên khen và đóng góp, ngày qua ngày bạn sẽ chụp tốt hơn mà không nhận ra đó, đừng quá quan tâm về kiến thức lúc mới chơi vì bạn sẽ bị rối bởi nhiều thông tin, vì khoảnh khắc là quan trọng nhất, từ từ chụp sẽ tốt, nên tin điều đó và không ngừng học hỏi, chia sẻ thông tin với những bạn mới chơi. Rồi chúng ta sẽ có nhiều thông tin tuyệt vời và có nhiều tấm ảnh đẹp hơn, nhiều chuyến đi thú vị hơn với những anh em cùng đam mê, đam mê một mình thì mất vui bạn nhé.
Thời điểm: Cai này tuyệt đối quan trọng, nước xa không cứu được lửa gần, nên nếu bạn chơi ảnh lâu và nghiêm túc đam mê, mình nghĩ bạn nên đem theo máy ảnh nhiều nhất có thể để không bỏ lỡ bất cứ khoảnh khắc tuyệt vời nào, ngoài đường, trong quán, trên nóc nhà, trên xe điện, xe buýt, taxi …. hay thậm chí trên máy bay và việc chụp vào mọi lúc sẽ tập cho bạn được rất nhiều kỹ năng độc đáo như bạn có thể học cách chụp Manual và quay tay ( MF ) nhanh hơn. Tuy nhiên MF thì mình không rành vì chụp đời thường mình vẫn chưa quay tay nổi, khá khó, chỉ khi ban đêm lúc hệ thống AF làm việc kém hiệu quả mình mới phải quay tay thôi.
Hậu kỳ: Có nên Photoshop hay không? Mình thấy có khá nhiều bạn tranh luận vấn đề này, nhưng với mình, hậu kỳ sẽ rất tuyệt vời nếu bạn vừa phải, từ thời chụp máy phim 35mm cha chú ta đã cạo sửa ảnh rồi mà thế nên kỹ năng hậu kỳ là khá cần thiết nhưng trước mắt bạn phải có những tấm ảnh tốt đã. Mình thì không dùng PTS vì mình không rành, thay vào đó là Lightroom, đây là một công cụ quản lý và chỉnh sửa đơn giản nhưng rất mạnh mẽ. Cách đây không lâu mình có tham gia một buổi workshop của anh Peter Phạm và đã có thêm những kiến thức độc đáo.
Chụp ảnh là một sở thích nhưng nó cũng như bất cứ môn học nào, một khi bạn bảo thủ và ngừng tìm tòi học hỏi, bạn sẽ khó phát triển được. Đã gọi là sở thích thì trước khi chụp được một tấm ảnh đẹp, bạn phải yêu thích cái ámy ảnh cầm trên tay đã, khi mình không thích thiết bị nào, hiển nhiên mình ko dùng nó để đi chụp nữa, người và máy khó liền nhau được.
BútChìCùn.Com