Những quán ven đường, những chiếc xe đẩy hay quán tạm dựng lên bán quà vặt bao đời nay có nhiều thay đổi nhưng đến nay vẫn được xem là nét đặc trưng của ẩm thực Quy Nhơn.
Quán xưa, món cũ
Những ngày se lạnh, mưa tầm tã, chợt người chị quen đã bước sang hàng U50 gọi điện: “Em cho chị một số địa chỉ bán đồ ăn vặt còn giữ được nét xưa với. Chị và nhóm bạn muốn ngược dòng quá khứ”. Trời ơi, giữa cái kiểu thời tiết lành lạnh cuối năm ở miền Trung, tại sao mình không tự dạo một vòng quà vặt nhỉ? Thế là “đội mũ, mang hia, thắng bộ” phóng đến quán bánh canh bà O. Nhận tô bánh canh da heo nóng hổi, cay xè từ tay bà O, tôi hít hà mùi thơm lừng của bột lọc, cảm thấy ấm lòng đến lạ. Bà O chuyển rất nhiều địa điểm từ vỉa hè đến ngôi nhà nhỏ ở đường 31.3 hiện nay. Tô bánh canh gồm hai viên cá hấp, 3 miếng cá chiên và miếng da heo nhỏ, ít ớt bột, ớt tương, nước mắm ớt và hành ngò rắc lên ấy chỉ 5.000 đồng/tô. Xin khẳng định là năm nghìn đồng một tô bạn nhé! Thời thế có thế nào đi chăng nữa thì bánh canh bà O vẫn luôn rẻ nhất quả đất. Đấy không phải là bà O hay người nhà nói, mà là của rất nhiều thế hệ học sinh bọn tôi nhất trí công nhận cho bà. Rất nhiều du khách ban đầu là tò mò khi nghe, đọc trên mạng xã hội, trên net hoặc tình cờ nghe giới thiệu mà tới thử cho biết. Nhưng đã ăn rồi thì tròn xoe mắt gật gù khen lấy khen để. Những bạn chạy bàn ở đây tranh nhau kể, rằng gần như ngày nào cũng có người bật ngửa ra vì giá rẻ mà ngon!
Giờ thì bà O mở 1 quán, hai con gái, con trai cũng tiếp nối món bánh canh gia truyền ngót 45 năm gần đó mà chỉ vài tiếng là hết vèo mấy nồi bánh canh nóng.
Ở Quy Nhơn, các quán ăn vặt có tên bà O khá nhiều. Ngoài bánh canh, gỏi bò khô bà O cũng trở thành ký ức của bao nhiêu thế hệ người Quy Nhơn. Cứ nghe tiếng kéo lách cách lách cách là sà vào làm dĩa gỏi bò xì xụp chua ngọt dai giòn. Rồi 40 năm gần đây, tới phiên con gái bà O nối nghiệp ngay vỉa hè nhà thờ Nhọn. Chị vẫn giữ cái tên bà O vì bảo đó là thương hiệu mẹ đã gầy dựng cả đời nên cứ gọi chị như thế. Tiếng kéo xắp xắp lách cách, vị ngọt bùi của miếng gan, mùi dấm thanh, vị cay của ớt cùng với ít rau gia vị, đu đủ bào… tất thảy hòa thành một bản tổng phổ có tên là gỏi bò khô bà O. Bản tổng phổ bình dân này gây thương nhớ cho không biết bao nhiêu là nam thanh nữ tú. Ngày còn bé thì vì… ham ăn, đến khi lớn lên thì vì muốn bù khú với bạn bè trong một không khí bình dân. Ấy thế nhưng hay một điều là vĩnh viễn không bao giờ hàng gỏi này lại thành một chỗ như quán nhậu dù thực khách nhiều người uống bia uống rượu. Chưa ai lý giải được điều này!
Quy Nhơn nổi tiếng với bún chả cá và rất nhiều người sành ăn cùng tán thưởng trao danh hiệu đệ nhất cho hàng bún của bà Ba Phúc. Bà Ba Phúc đã hơn 60 tuổi, bán bún cá trên 40 năm ở đường Bạch Đằng. Nhờ gia đình có nghề biển, bà Ba Phúc cùng chị em trong nhà làm chả cá bán. Tiếc phần xương cá dư, với tính cần kiệm nổi tiếng, bà nấu thêm nồi bún bán cho bà con. Miếng chả cá chiên mỏng, dai, nước lèo ngọt lừ gần như không hàng quán nào có thể sánh bằng. Nhờ tự làm từ A đến Z nên tô bún cá ngon ngọt ấy của bà luôn có giá rẻ nhất TP Quy Nhơn. Ở đẳng cấp chất lượng như thế, với mức thâm niên nổi tiếng như thế, nếu bà Ba Phúc lên đời quán bún có khi lại là một ý hay. Nhưng bà Ba Phúc vẫn giữ gánh bún là bởi cần kiệm, bởi muốn bà con có tô bún cá ngon mà rẻ. Có lần tôi gợi chuyện, bà phẩy tay cái rột: “Ối hơi đâu cô, chừng này cũng đủ nuôi cả nhà rầu, lên đời có khi mất hết khách quen, buồn lắm!”.
Quà vặt gây… thương nhớ !
Những món ăn vặt dân dã lại gây thương nhớ da diết, dai dẳng cho người Quy Nhơn. TS Nguyễn Thị Tố Trân, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, chia sẻ: “Quy Nhơn thực sự là phố thị khắc tinh của những tín đồ ăn kiêng giảm béo. 40 năm qua, tôi vẫn ăn bánh bèo của cụ Sơn, thâm niên bán bánh bèo 50 năm ở đường Hai Bà Trưng (gần nhà thờ Tin Lành). Và khả năng vẫn tiếp tục ăn nếu cụ vẫn ngồi ở góc nhỏ đó mỗi buổi chiều về tối”.
Những món ăn vặt đặc trưng được không chỉ người dân bản xứ ưa chuộng, mà mọi du khách gần xa đều yêu mến. Những người bạn, họ hàng tôi ở khắp mọi miền về với TP Quy Nhơn dù bất cứ lý do gì họ vẫn thích sà vào các quán ăn ven đường thưởng thức hết món ăn vặt của người Quy Nhơn. Chị Nguyễn Thị Ngọc Ánh, nhân viên Công ty Quảng cáo Ngòi Bút Vàng, TP Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Lang thang hết con đường Phan Bội Châu, Bạch Đằng, Ngô Văn Sở… ăn vặt mà không hết thèm. Về phố lớn, cứ hễ nghe cái tên Quy Nhơn ai đó nhắc lại thèm ăn đến lạ”. 7 ngày ở Quy Nhơn, chị Ánh không hề ăn cơm tối.
17 giờ vừa xong việc, chị lại cùng nhóm nhân viên rủ nhau đi ăn vặt chả cá cuốn rau răm, nem lụi, bún thịt nướng, ốc các loại, chả ram lụi, cá, mực nướng, bún cá, bánh canh…
Những món ăn vặt mới xuất hiện từ năm 2000 như kem trộn, bánh tráng nướng, chè đậu xanh bột báng khoai lang, xôi dừa… làm cho thực đơn ăn vặt ở Quy Nhơn phong phú hơn. Món nào cũng có nét riêng, đặc trưng phù hợp ẩm thực của người dân xứ biển. Bánh tráng trứng được cho nguồn gốc Đà Lạt nhưng khi đưa về Quy Nhơn, xứ sở của bánh tráng thì thay đổi. Bánh tráng phải là bánh gạo, mè trắng lớn, chỉ cần chút dầu mỡ hành lá trộn chút tép khô hoặc bò khô băm nhuyễn quét đều, đập quả trứng gà trải đều nướng giòn rộm. Nhiều du khách nước ngoài ví von đó là pizza Quy Nhơn.
* * *
Quà vặt Quy Nhơn có muôn nẻo, nó rất dễ trở thành mê lộ nếu bạn thả rông khứu giác, vị giác của mình; còn nếu bạn vì sa đà mà kết giao với những kẻ như tôi hoặc chị Trân thì nhiều khả năng bạn sẽ quên lối về. Cảnh báo này là cảnh báo sớm, đã được nhắc chừng với nhiều người, nhất là các bạn nữ, nhưng phần nhiều đều tặc lưỡi, lạc ở đâu chứ lạc trong mê lộ quà vặt Quy Nhơn thì thôi từ từ về cũng hổng có làm sao! Ấy đấy, lại còn kịp quen luôn lời ăn tiếng nói xứ này luôn đấy.
Hóa ra để ở lại với thế giới quà vặt, con người ta có lẽ cũng cần biết dừng đúng chỗ! Ðiều này cũng đúng với cả những món ăn bánh xèo, bánh bèo, bánh tai vạt, bánh ít nhân mặn… Bánh bèo Kim Ðình, bánh bèo Cây Xoài, bánh bèo Chuồng Heo, bánh bèo Tin Lành… nổi tiếng bao đời nay và có khi bao đời tới nữa cũng đứng nguyên ở đó, vui vẻ đứng trong một nẻo quà vặt. Nói cho ngay thẳng, ngoại trừ bánh bèo tiệm Kim Ðình, đường Nguyễn Huệ là có tên, bảng hiệu đàng hoàng, còn lại chẳng có tên, khách hàng ăn từ vỉa hè, đến ở hộ gia đình rồi gắn tên với địa danh hoặc đặc điểm nào đó của quán. |
Nguồn: Báo Bình Định