Quy Nhơn nói riêng và Bình Định nói đang nổi lên như là điểm du lịch lý tưởng. Người dân hiền hoà, nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn. Nếu bạn muốn đi du lịch ở Quy Nhơn – Bình Định nhưng chưa biết nên đi những điểm nào vậy thì hãy để Mạng Bình Định đưa ra gợi ý 20 điểm đến hấp dẫn của Quy Nhơn – Bình Định.
- Thắng cảnh Hầm Hô
- Mũi Vi Rồng
- Đảo Cù lao Xanh
- Hòn Khô
- Khu du lịch Kỳ Co
- Eo Gió
- Bãi Xếp
- Biển Tp. Quy Nhơn
- Thắng cảnh Ghềnh Ráng Tiên Sa
- Khu Du lịch Cửa Biển
- Khu Dã ngoại Trung Lương
- Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICSIE)
- Chùa Thập Tháp
- Chùa Linh Phong
- Bảo tàng Quang Trung
- Đài Kính Thiên
- Tháp Bánh Ít
- Tháp Dương Long
- Tháp Cánh Tiên
- Tháp Đôi
1. Thắng cảnh Hầm Hô
Hầm Hô là một đoạn suối do hai nhánh song Đồng Hưu và song Cát đổ vào sông Phú Phong. Không rõ cái tên dân dã và ý nghĩa của nó có từ bao giờ mà ý nghĩa của nó mỗi người giải thích một khác. Có người cho rằng do ở đây có một thác nước cao chừng sáu, bảy mét, đổ vào một hầm đá rộng phát ra tiếng kêu ầm ồ như tiếng hô, báo cho người chèo bè mảng trên dòng biết sắp tới chổ nguy hiểm mà lo phòng bị nên gọi là Hầm Hô.
Đặc trưng của thắng cảnh Hầm Hô là sự kết hợp hài hòa giữa rừng cây, núi đá, cá nước, chim trời tạo thành một bức tranh thiên nhiên kỳ thú. Đến Hầm Hô vào các mùa xuân, hạ, thu chúng ta cảm thấy như sống giữa một màu xanh tươi mát của cây xanh, nước xanh, trời xanh…
Đến thắng cảnh Hầm Hô, du khách có thể tham quan Dinh Tiền Hiền, đập Hầm Hô và xuôi theo nước sông cuộn chảy quanh co theo các ghềnh thác với các địa danh rất sử thi và lãng mạn như: Đá Thành, Đá Bàn Cờ, Đá Chùm, Đá Dựng, Đá Trải, Cửa Sanh, Cửa Tử, Thác Cá Bay, Vũng Cá Rói, Hòn Trào, Hòn Lò Rượu, Dấu Chân Khổng Lồ… và cùng người thân, bạn bè trải nghiệm những hoạt động thú vị như: đốt lửa trại, bơi thuyền thể thao, tắm suối, câu cá, đạp vịt…
2. Mũi Vi Rồng
Mũi Vi Rồng là ngọn núi đá thuộc địa phận thôn Tân Phụng xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Nằm cách Tp Quy Nhơn khoảng 70 km về phía bắc và cách thị trấn Phù Mỹ khoảng 20 km. Mũi Vi Rồng (hay còn gọi là Mũi Rồng) có hình dáng trông như một con rồng khổng lồ được thiên nhiên chạm trổ và điêu khắc, ngày đêm nước biển xô vào rồi trào ra miệng như rồng phun nước trắng xóa.Với vẻ đẹp tự nhiên, hoang sơ mà gần gũi Mũi Vi Rồng là điểm đến cho những ai yêu thích khám phá và trải nghiệm.
Theo truyền thuyết, Mũi Vi Rồng xưa kia nguyên là một khối, hình giống vi cá chép, dân địa phương gọi là “Đá Vảy Rồng”. Đời nhà Đường, một thầy địa lý có tên là Cao Biền chuyên tìm những nơi có long mạch để yếm và ông đã tìm đến Mũi Rồng này. Cao Biền thấy Mũi Rồng có linh khí kết tụ bèn phù phép chém đứt để trừ hậu họa. Long mạch bị chém đứt, vảy rồng rơi, máu rồng đổ đọng lại tạo thành những hòn đá son nhỏ nằm lẫn trong cát. Loại đá son này rất cứng, khi mài với nước thì cho ra màu đỏ thắm, cầm không dính tay nên được truyền tụng loại son trời cho. Xưa kia, học trò khắp nơi thường hay về đây để lấy loại đá này về làm son cho thầy chấm bài.
Khi đến đây, ngoài việc chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên hùng vỹ, xinh đẹp, du khách có thể chinh phục ngọn hải đăng Vũng Mới (hay còn gọi là hải đăng Hòn Nước). Ngọn hải đăng này được xây dựng từ thời Pháp thuộc trên vịnh Vũng Mới, với tháp đèn cao 16,2m được xây bằng đá có màu xám sẫm, độ cao của tâm sáng so với mực nước biển là 62,5m.
Hằng năm, người ta còn thường xuyên tổ chức lễ hội cầu ngư ở Mũi Vi Rồng. Lễ hội thường diễn ra từ ngày 01 đến ngày 04 tháng 5 (nhằm ngày 11 đến ngày 14 tháng 4 âm lịch), với những hoạt động thể thao dưới nước thú vị như: Đua thuyền và hát bội tại Lăng Ông Nam Hải.
3. Đảo Cù lao Xanh
Là hòn đảo cách Tp.Quy Nhơn khoảng 22km, Cù Lao Xanh là món quà vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho người dân Bình Định. Bởi đến với nơi đây, du khách sẽ được đắm mình trong một không gian xanh bất tận của biển xanh, trời xanh và đảo xanh. Được ngắm nhìn hoàng hôn trên cầu cảng với những chiếc thuyền con dập dềnh trên sóng biển, ngắm nhìn cuộc sống của những người dân làng chài dung dị trong khung cảnh bình yên phía bờ nam của đảo; hoặc du khách cũng có thể khám phá nét hoang sơ với những hòn đá đủ hình thù, với sự hùng vĩ, bao la của trời – biển và núi non nơi phía bắc đảo.
Đến với Cù Lao Xanh, du khách còn được chiêm ngưỡng ngọn hải đăng có chiều cao 118m so với mặt biển được xây dựng cách nay hàng trăm năm. Được tắm nước suối Giếng Tiên mà tương truyền xưa kia vào những đêm trăng sáng, các nàng tiên trên trời thường xuống đây để du ngoạn, tắm mát và vui đùa!
4. Hòn Khô
Nằm cách Quy Nhơn khoảng 6km, đảo Hòn Khô thuộc xã Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn. Bãi tắm ở Hòn Khô vẫn giữ được nét hoang sơ, mộc mạc với những dãy núi đá cheo leo, khô khốc cố ngoi ra biển. Ở đảo, bốn mùa gió biển thi nhau đùa cợt xô đẩy vào vách đá. Không chỉ sở hữu làn nước biển xanh trong, đảo còn được bao bọc bởi rặng san hô muôn màu. Lặn ngắm san hô trở thành một đặc sản du lịch của đảo Hòn Khô. Bên cạnh đó du khách sẽ được thưởng thức những món đặc sản tươi ngon miền biển do người dân nơi đây chế biến, cùng nhâm nhi ly rượu Bàu Đá cay nồng mang đậm bản sắc văn hóa Bình Định.
5. Khu du lịch Kỳ Co
Nằm cách thành phố Quy Nhơn gần 25 km, được ví như Maldives của Việt Nam, Kỳ Co thuộc xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, là một bãi biển đặc biệt hoang sơ quyến rũ với biển xanh, cát trắng, nắng vàng, đường bờ biển công như lưỡi liềm với 3 mặt giáp núi và 1 mặt giáp biển, đẹp tựa một bức tranh vừa nên thơ vừa hùng vĩ.
Kỳ Co rất hấp dẫn du khách, đặc biệt là những người ưa du lịch khám phá, bởi không chỉ có cảnh đẹp làm say lòng người mà còn được tận hưởng nhiều trải nghiệm thú vị: tắm biển, lặn ngắm san hô, cano siêu tốc,… Tại đây du khách có thể hoà mình vào dòng nước trong sạch hiếm có và đùa nghịch trên bãi cát trắng xoá. Bãi Kỳ Co rất thích hợp cho những chuyến đi của gia đình, đặc biệt nếu có trẻ nhỏ, các bé sẽ vô cùng thích thú khi được ngâm mình trên biển mà cứ tưởng như đang trong một hồ bơi cạn tự nhiên, cùng bắt sò, bắt ốc và chơi đùa với những con cá nhỏ bị sóng đánh vào bờ.
6. Eo Gió
Eo Gió thuộc khu vực 3, thôn Lý Lương, xã đảo Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Là một eo biển xanh, đẹp hình vòng cung được những rặng núi đá cao uốn cong ôm trọn vào lòng. Không biết từ bao giờ hay xuất phát từ lòng mến mộ cảnh đẹp của các nhiếp ảnh gia và du khách khi đến tham quan tại đây, mà địa danh Eo Gió – đã được “phong tặng” là nơi có cảnh hoàng hôn đẹp nhất Việt Nam.
Nhìn từ xa Eo Gió giống như 1 cái yên ngựa, nằm giữa hai mỏm núi cao kề bên biển, mặt khác nếu đứng từ trên cao nhìn xuống lại tựa như một cái phễu, vì thế Eo Gió luôn đón gió từ biển thổi vào với sức gió rất mạnh. Vào mùa đông, biển động dữ dội mang theo những cơn mưa và gió lớn, hơi lạnh của nước biển kèm theo những đợt sóng dâng cao sẽ bào mòn đá nơi đây, theo thời gian đã tạo nên những khe rãnh xẻ ngang đồi núi, hình thành các vách núi sừng sững. Chính những yếu tố thiên nhiên này đã tạo cho Eo Gió một vẻ đẹp hoang sơ và kỳ vĩ.
Từ trên đỉnh Eo Gió, du khách có thể phóng tầm mắt ra xa, toàn bộ quang cảnh xã đảo Nhơn Lý như nằm dưới chân mình. Nào là cảnh ngư dân đánh bắt cá; cảnh bà con ngư dân tranh mua hải sản khi thuyền vào bờ; là chùa Phước Sa – ngôi chùa có kiến trúc tuyệt đẹp, linh thiên và tượng Quan Âm trên đỉnh núi hướng ra biển như dõi theo, phù hộ độ trì cho bà con ngư dân trong vùng; là Tịnh Xá Ngọc Hòa – với tượng Phật bà Quan Âm hai mặt lớn nhất Việt Nam… Tất cả hòa quyện với nhau giữa mênh mông biển trời, tạo nên một thắng cảnh Eo Gió tuyệt đẹp như chốn “bồng lai”.
7. Bãi Xếp
Bãi Xếp thuộc phường Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn, Bình Định, cách trung tâm thành phố khoảng 12km về phía Nam. Bãi biển hoang sơ với bờ cát vàng, những rặng đá tự nhiên nổi lên giữa bãi cát khi thủy triều rút bên làng chài nhỏ với những ngư dân hiền lành, hiếu khách và những món ăn đậm đà hương vị biển. Mỗi buổi chiều, người dân thường tập trung trước bãi. Trẻ con thì hồn nhiên tắm biển, những đứa trẻ lớn hơn thì lặn bắt ốc, bắt tôm. Người lớn sau một ngày lặn ngụp vất vả cào hàu hay kéo bèo ngoài khơi, ngồi thành nhóm chuyện trò hay giải trí bằng trò chơi lô tô. Hoàng hôn trên biển cũng mang màu sắc khác lạ, có hôm bầu trời màu hường dịu ngọt, có hôm lại là màu xanh biển đáng yêu, từng vệt mây trắng vẽ ngang dọc trên nền trời. Những ngày rằm, ánh trăng treo trên cao tỏa xuống mặt biển thứ ánh sáng bàng bạc ảo diệu. Các món ăn ở Bãi Xếp chủ yếu là hải sản do người dân đánh bắt. Hiện nay, nhiều khu resort, nhà hàng, homestay,… đã đi vào hoat động ổn định đáp ứng nhu cầu du lịch nghĩ dưỡng, trải nghiệm của du khách, đặc biệt là thu hút khách quốc tế, tuy nhiên Bãi Xép vẫn giữ được nét hoang sơ, bình yên vốn có.
8. Bãi biển Quy Nhơn
Bãi biển Quy Nhơn nằm ngay trung tâm thành phố, sở hữu đường cong ví như vầng trăng khuyết với biển xanh, bãi cát vàng rộng thoai thoải kéo dài hơn 5 km từ mũi Tấn đến Ghềnh Ráng. Ngoài vui chơi, tắm biển, tham ga các trò chơi biển, du khách cũng có thể tản bộ trên bờ cát mịn mát, hít thở bầu không khí trong lành, đón làn gió mang hương vị mằn mặn của biển và dùng bên cạnh đường thưởng thức nhiều món hải sản tươi ngon, hấp dẫn trên phố Xuân Diệu
9. Thắng cảnh Ghềnh Ráng Tiên Sa
Nằm ở phía Đông thành phố Quy Nhơn, cách trung tâm thành phố 3km, Ghềnh Ráng có diện tích rộng 35 ha, là quần thể sơn thạch chạy sát biển, với những khối đá, hang động đa hình đa dạng. Từ trên sườn đồi có thể ngắm nhìn bao quát toàn bộ phía Đông của thành phố Qui Nhơn và xa hơn nữa là bán đảo Phương Mai với Đầm Thị Nại như một bức tranh thủy mặc.
Đến với Ghềnh Ráng, leo dốc Mộng Cầm, rẻ và đồi thi nhân viếng khu mộ Hàn Mặc Tử – linh hồn của khu du lịch và thắp nén hương lòng nhớ nhà thơ tài hoa, bạc mệnh. Sau đó, men theo con đường uốn lượn theo triền núi chạy dọc biển, thưởng thức ngọn gió nồm mát dịu từ ngoài biển khơi mênh mông đưa vào, hướng tầm mắt ra xa có thể thấy được một số tác phẩm nghệ thuật của tạo hóa: đó là phù điêu mặt người trên một mặt đá lớn, tượng đá đầu sư tử chồm ra biển Đông, tượng vọng phu, đền tiên nữ… và đặc biệt là Hòn Chồng – một tảng đá khổng lồ gá trên một tảng đá khác. Sự gá đỡ này thoạt trông như sắp có sự ngã đổ, một cảm giác chông chênh giữa mênh mông sóng nước, thế mà nó đã đứng sừng sững, chống chọi với phong ba bão táp qua bao đời nay. Từ Hòn Chồng, theo bờ đá nằm trải dọc bờ biển, chúng ta đi trở lại, sẽ gặp những hang động dị dạng, đa hình, cổ quái do đá chồng chất lên nhau tạo thành. Đến bãi tắm Hoàng Hậu, bên cạnh 2 giếng tắm là bãi đá trứng rộng khoảng 20 m2 toàn bộ là đá xanh tròn và nhẵn, hình dạng giống hệt như những quả trứng khổng lồ. Đó cũng là lí do tại sao bãi đá này có cái tên Bãi Trứng. Với cảnh sắc núi non vừa thư mộng vừa hùng vỹ, năm 1927 khi đặt chân đến đây, vua Bảo Đại đã chọn là nơi xây dựng khu nghỉ mát sang trọng gồm đầy đủ những tiện nghi và dành một bãi tắm riêng dành riêng cho Nam Phương Hoàng Hậu xinh đẹp.
Hiện nay, khu phức hợp du lịch gồm hệ thống nhà hàng, phòng họp, khu bán quà lưu niệm, khu trò chơi dân gian, khu ẩm thực dân gian, khu tắm Tiên Sa,… đã được khai thác phục vụ nhu cầu ẩm thực và giải trí cho du khách.
10. Khu Du lịch Cửa Biển
Khu Du lịch Cửa Biển – Seagate Park nằm phía Bắc bán đảo Phương Mai. Là một khu du lịch đầy hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách với nhiều trải nghiệm tuyệt vời. Đến với Seagate Park, du khách sẽ được đắm mình trong không gian thơ mộng với sự kết hợp hài hòa giữa sự hiện đại của kiến trúc, sự trong lành của cây cối, những âm thanh du dương của thiên nhiên. Trải nghiệm cảm giác thư thái khi Chèo thuyền kaya trên dòng sông xanh biếc, tham gia vào trò chơi đấu trường bò tót đầy kịch tính và lí thú, bắn cung thể hiện sự tài nghệ. Nếu du khách là một người thích cảm giác mạnh có dịp thử sức với trò chơi Trượt cáp zipline 2 chiều đu người vắt vẻo trên dây qua sông, hòa mình vào trò chơi vòng xoay nữ hoàng hoặc leo núi.
Đặc biệt, rẻ em đến với khu du lịch Cửa Biển Quy Nhơn sẽ như lạc vào khu vườn cổ tích vì có những nhân vật truyện tranh như nàng bạch tuyết và bảy chú lùn, tấm cám, Thạch Sanh. Bên cạnh đó các em còn được trai nghiệm những trò chơi vui nhộn như cầu trượt, nhà banh, đạp vịt và nhiều trò khác nữa.
Dọc đồi trong khu du lịch là khu nghĩ dưỡng gồm những ngôi nhà nhỏ ven đồi được thiết kế kiểu dáng xinh đẹp với chất liệu bằng gỗ, không gian phòng ngủ sang trọng.
11. Khu Dã ngoại Trung Lương
Trung Lương là một trong những bãi biển khá quen thuộc và nổi tiếng với khách du lịch Bình Định. Bãi biển nằm ở xã Cát Tiến, huyện Phù Cát, cách trung tâm thành phố Quy Nhơn chừng 30 km. Nước biển xanh trong hoang sơ, sóng vỗ bờ nhẹ nhàng, bờ biển trải dài ngút mắt với bãi cát trắng mịn cùng với cung đường tuyệt đẹp uốn lượn bao quanh dãy núi Bà, các phiến đá với nhiều hình thù kỳ lạ đẹp mắt, nhấp nhô xếp chồng lên nhau tạo nên bức tranh biển cả nên thơ và nhẹ nhàng, đọng lại nhiều cung bậc cảm xúc cho du khách phương xa. Đến đây, du khách có thể thong thả dạo biển, chụp hình cưới, thưởng thức hải sản hay đơn giản là hòa mình vào dòng nước trong mát Trung Lương.
12. Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICSIE)
ICISE là một tòa nhà vượt sông với những hàng cột cao được xây trên một hệ thống đập nhỏ có kiểm soát dòng chảy. Lối lưu thông chính dẫn đến các phòng hội nghị và phòng họp khởi nguồn từ cây cầu đi bộ bắt qua sông. Đây cũng là nơi đẹp nhất để ngắm nhìn công trình có thế đứng tựa lưng vào núi và hướng mặt ra biển. Bằng cách xây dựng hệ thống đập và cầu đi bộ, các kiến trúc sư đã bảo tồn nguyên vẹn thảm thực vật và hệ sinh thái của nơi này. Khu đất 20ha được chia thành một bãi biển dài 300m về phía đông, một khu rừng dừa ở phía bắc và các vách đá ở phía nam. Dòng sông nối hai bên cánh đồng và các trại nuôi tôm bên trong khuôn viên của dự án.
Tòa nhà thanh lịch màu xám nâu như được mọc lên từ những rặng dừa. Công trình có cấu trúc hai phần rõ rệt, một là chân đế được làm từ đá núi khai thác ở địa phương, và một là thượng tầng với kết cấu bê tông trần không sơn phết. Sự đơn giản của cấu trúc cùng với mối liên hệ mật thiết giữa công trình với con đê, mặt nước và thảm thực vật sẵn có tạo nên một bức tranh thiên nhiên hài hòa, sinh động. Mặt tiền của tòa nhà, xen kẽ giữa các ô cửa trong suốt và mờ đục, cho phép người ở bên trong được bảo vệ trước ánh nắng mặt trời nhưng vẫn có thể nhìn bao quát cảnh quan xung quanh. Quần thể kiến trúc ICISE được thiết kế như một gian hàng, nơi du khách được dẫn lối bởi những hàng cột oai phong, vững chãi.
Ngay từ khi khánh thành, ICISE đã trở thành một điểm đến yêu thích của giới đam mê khoa học với hàng chục hội nghị, hội thảo chuyên ngành mang tầm cỡ khu vực và quốc tế. Ước nguyện cả đời của giáo sư Trần Thanh Vân, một người con đất Việt và là “cha đẻ” của dự án này dường như đã trở thành hiện thực. Thời gian tới, với sự góp mặt của nhiều hạng mục mới như phòng chiếu thiên văn học, phòng triển lãm, thư viện, trường kỹ sư, khu nhà khách đạt tiêu chuẩn quốc tế… hứa hẹn ICISE sẽ thật sự là nơi chắp cánh cho những giấc mơ tri thức.
13. Chùa Thập Tháp
Thập Tháp Di Đà tự (chùa Thập Tháp) là một trong 5 ngôi chùa của tỉnh Bình Định được chép vào sách Đại Nam nhất thống chí (cùng với các chùa Thạch Cốc, Linh Phong, Nhạn Sơn, Long Khánh). Chùa Thập Tháp nằm ở phía bắc Thành Đồ Bàn, nay thuộc thôn Vạn Thuận, xã Nhơn Thành, thị xã An Nhơn, cách thành phố Quy Nhơn 27km về phía bắc. Hiện nay, con đường nối từ chùa ra quốc lộ 1 chính là một đoạn phế tích bờ bắc thành Đồ Bàn xưa.
Chùa có kiến trúc hình chữ “khẩu”, bao gồm 4 khu vực chính: Khu chính điện có diện tích khoảng 400m2, khu phương trượng khoảng 130m2, khu Tây đường khoảng 120m2 và khu đông đường khoảng 150m2 được nối với nhau bằng một sân rộng ở giữa.
Chùa được xây dựng cạnh khu đồi tương đối rộng hình mai rùa có chu vi gần 1km gọi là đồi Long Bích, còn có tên gọi khác là gò Thập Tháp. Tương truyền rằng, xưa kia, trên khu gò này có mười ngọn tháp do người Chàm xây để “yểm hậu” cho thành Vijaya. Mặt chính của chùa quay hướng đông, trước cổng tam quan là một ao sen không bao giờ cạn nước, xa xa là ngọn Thiên Đỉnh sơn (núi Mò O), về mặt phong thủy, có lẽ núi này là bức bình phong che chắn cho mặt chính của chùa. Phía nam là thành Đồ Bàn có tháp Cánh Tiên sừng sững. Sau lưng chùa được bọc bởi chi lưu của sông Côn chạy dọc theo sườn đồi. Phía bắc là con sông Quai Vạc uốn lượn chạy về phía đông, phong cảnh thật tĩnh lặng. Theo các nguồn sử liệu, chùa được Thiền sư Nguyên Thiều sáng lập vào năm 1665. Cho đến nay, chùa đã trải qua lịch sử trên 300 năm, từ ngôi thảo am đơn sơ, Thập Tháp Di Đà tự đã trở thành một công trình kiến trúc Phật giáo nổi tiếng, gắn liền với quá trình phát triển của Phật giáo Đàng Trong và là ngôi tổ đình của phái Lâm Tế ở Bình Định. Chùa Thập Tháp đã được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia ngày 09 tháng 01 năm 1990.
14. Chùa Linh Phong
Người dân Bình Định vẫn thường gọi chùa Linh Phong là chùa Ông Núi. Chùa thuộc xã Cát Tiến, huyện Phú Cát, tỉnh Bình Định. Cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 30km. Đây được xem là điểm du lịch tâm linh thu hút khách khi đến thăm miền đất võ. Theo như tài liệu biên soạn năm 2001 của chùa, chùa do ông Tổ Giám Huyền và đệ tử Tánh Bang (Lê Ban) sáng lập năm Giap Tý (1684). Còn theo sách “Đại Nam nhất thống chí” thì chùa sang lập năm 1702. Sau đó thầy Giám Huyền giao lại cho đệ tử Lê Ban để đi vào Nam tu hành. Năm 1733 chúa Nguyễn Phúc ban cho Lê Ban pháp hiệu Tĩnh Giác, xây lại chùa và đặt tên thành Linh Phong thiền tự
Để lên chùa, du khách leo bộ trên những bậc đá, với độ cao hơn 100m. hai bên đừng cây cối um lùm, rì rào theo gió. Khi đến địa phận chùa Linh Phong, từ phía trước Chánh điện, phóng tầm mắt ra xa có thể nhìn dãy núi Bà hùng vĩ, cảnh làng quê thanh bình dưới chân núi, xa xa là toàn cảnh khu kinh tế Nhơn Hội bên đầm Thị Nại, ngay cạnh TP Quy Nhơn; đi về hướng Tây có một cây cầu nhỏ đi đến các mộ Tháp và hang Tổ nổi tiếng là nơi tu luyện của Thiền sư Lê Ban ở phía sau núi. Hang Tổ nằm sát mép suối, đá tự nhiên che kín cả ba mặt như một ngôi nhà và vẫn còn giữ nguyên vẹn vẻ đẹp hoang sơ ban đầu.
Đặc biệt, ở một bên sườn núi sát bên ngôi chùa cổ là tượng Phật ngồi cao nhất Đông Nam Á. Với chiều cao 69m, gồm phần chân đế cao 15m, toàn bộ đều được đúc bê tông cốt thép. Tượng ngự trên tòa sen, ở lưng chừng núi trên độ cao 129m so với mặt nước biển. Nhìn ra biển Đông, lưng tựa vào ngọn núi cao nhất khu di tích núi Bà. Phía dưới là Trung tâm thuyết pháp Phật giáo và hành lang La Hán, thư viện Phật giáo, bảo tàng Xá Lợi Phật, nơi để du khách đến hành lễ, chiêm bái.
15. Bảo tàng Quang Trung
Nằm cách Quy Nhơn khoảng 45km về hướng Tây Bắc, Bảo tàng Quang Trung được Nhà nước xây dựng năm 1978, kiến trúc theo kiểu cổ, dáng vẻ uy nghiêm, gồm 9 phòng trưng bày các hiện vật liên quan đến phong trào Tây Sơn và Hoàng đế Quang Trung (1771 – 1789).
Đến bảo tàng, ngoài việc được chiêm ngưỡng những di vật thể về chiến tích lừng lẫy của phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn cuối thế kỷ XVIII, du khách còn được thưởng thức các chương trình biểu diễn phong phú, độc đáo, hấp dẫn về võ Tây Sơn, trống trận Quang Trung, ca múa nhạc dân tộc,… cùng hồi tưởng về cuộc đời và sự nghiệp của người anh hùng dân tộc Quang Trung – Nguyễn Huệ như một bản anh hùng ca tuyệt vời sống mãi trong lịch sử quang vinh của dân tộc và trong kí ức bất diệt của nhân dân Việt Nam.
Trong đó, Khu di tích Điện Tây Sơn trong khu vườn của ông, bà Hồ Phi Phúc là công trình tưởng niệm của nhân dân đối với những vị anh hùng dân tộc, hiện nay vẫn còn hai di tích là: cây me và giếng nước cổ. Di tích được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận xếp hạng là di tích lịch sử Quốc gia ngày 29/4/1979.
16. Đài Kính Thiên
Đài Kính Thiên tọa lạc trên một khu đất rộng 28,3 ha, thuộc dãy núi Ấn Sơn nằm bên hữu ngạn sông Kôn, được bao bọc bởi những núi cao của dãy Hoành Sơn trùng điệp, gồm Bút Sơn (Hòn Trưng), Hợi Sơn (Hòn Dũng), Kiếm Sơn (Hòn Lãnh), Cổ Sơn (Hòn Trống), Chung Sơn (Hòn Chuông)…Ấn Sơn là vùng địa linh, nơi “hội tụ khí thiêng sông núi” của tỉnh Bình Định gắn liền với những truyền thuyết lịch sử hào hùng về triều đại Tây Sơn.
Đài Kính Thiên thuộc thôn Hòa Sơn, xã Bình Tường, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Quần thể gồm 3 khu vực chính: Khu Đàn tế, khu Đền Ấn – Tháp Thông Thiên, Khu nhà làm việc của Ban quản lý và các hạng mục công trình phụ trợ khác, được bố trí cân xứng với trục thần đạo hướng Bắc – Nam. Nơi đây, tỉnh Bình Định hàng năm long trọng tổ chức Lễ tế cáo trời đất hàng năm, cầu quốc thái, dân an mưa thuận, gió hòa, nhân dân no ấm… và là điểm đến cho du khách trong và ngoài nước hành hương, tưởng nhớ công đức các vị anh hùng dân tộc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước.
17. Tháp Bánh Ít
Tháp Bánh Ít là một trong bảy cụm Tháp trên đất Bình Ðịnh còn khá nguyên vẹn, một khu di tích đẹp, đặc sắc và còn lại nhiều tháp nhất, có giá trị văn hóa độc đáo trong kiến trúc của Việt Nam, được tạo lập vào giai đoạn cuối thế kỷ XI đến đầu thế kỷ XII, dưới thời trị vì của hai quốc vương Harivarman IV và V.
Tháp Bánh Ít bao gồm 4 kiến trúc tháp được xây trên một đồi núi đất đỏ, to, cao, dáng vẻ hùng vĩ, uy nghi. Tháp lớn nhất cao 22m xây ở đỉnh đồi, nhìn từ xa trông giống như chiếc bánh ít lá gai. Chung quanh ngọn tháp chính còn có ba tháp phụ, hình dáng thấp và nhỏ bé hơn. Mỗi tháp là một kiến trúc riêng biệt mang sắc thái khác nhau, trên đỉnh mỗi tháp đều có tượng thần Siva làm bằng đá.
Ðồi núi của tháp Bánh Ít có nhiều trãng to, rộng, ở về cuối làng Huỳnh Kim, đầu các làng Ðại Lộc, Phong Niên, Vạn Mỹ và nằm bên cạnh dòng Tân An, sát cạnh quốc lộ số 1, bên cạnh cây số 1214 cách Quy Nhơn 15 km. Ở đây phong cảnh hữu tình, có gió mát cây xanh, cảnh vật kỳ thú yên tĩnh, có cây trái thơm ngọt trong mùa hè, phơi màu tươi thắm ở trên những trãng của đồi núi tĩnh lặng. Hơn nữa, nơi đây có nhiều đá son, có giống chim “tò le” kêu rất kỳ lạ.
Di tích Tháp Bánh Ít cũng hội tụ nhiều nét kiến trúc khác nhau, là một trong những công trình đền tháp có quy mô lớn nhất còn lại của Vương Triều Chămpa đang được các nhà nghiên cứu quan tâm. Cụm tháp này được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng di tích Kiến trúc Nghệ thuật vào năm 1982.
18. Tháp Dương Long
Tháp Dương Long là một cụm kiến trúc gồm ba tháp thẳng hàng theo trục Bắc – Nam. Với chiều cao tháp Nam 33m, tháp Giữa 39m, tháp Bắc 32m. Về mặt kích thước, không một ngôi tháp Champa hiện còn nào có thể so sánh với các tháp ở Dương Long và đây cũng được xem là cụm tháp gạch cao nhất Đông Nam Á.
Tháp Chămpa mang phong cách Bình Định ngoài những yếu tố của một ngôi tháp Champa truyền thống về hình dáng, vật liệu xây dựng, cấu trúc quần thể,… còn mang những yếu tố đặc trưng như: được xây trên đồi cao với khối hình lớn, các mặt tường phía ngoài thân tháp được trang trí bằng những cột ốp và các khung dọc nhô ra khỏi mặt tường và hoàn toàn để trơn không chạm khắc hoa văn; vòm cửa ra vào và các cửa giả vút cao vươn lên như hình mũi giáo. Bên cạnh đó, một chi tiết thể hiện đặc trưng của phong cách Bình Định là việc sử dụng đá vào xây dựng tháp, đó là sự ảnh hưởng rõ nét của kiến trúc đền tháp Khmer đối với các kiến trúc tháp Chăm trong giai đoạn này.
Về hình dáng, tháp Dương Long được xây dựng trên mặt bằng chân đế vuông như các tháp Chăm truyền thống nhưng thân tháp được bẻ góc nhô dần ra về phía cửa tạo cho thân tháp có hình búp, đỉnh tháp nhiều tầng giật cấp thu nhỏ dần về phía trên và kết thúc ở đỉnh bằng một hoa sen. Về vật liệu xây dựng, ngoài việc sử dụng gạch là vật liệu chính, đá được sử dụng rất nhiều trong kiến trúc mà không một ngôi tháp Chăm nào có được. Về nghệ thuật điêu khắc, tháp Dương Long là sự kết hợp giữa kỹ thuật điêu khắc đá Champa truyền thống ở đặc điểm đường nét mềm mại, hình khối đơn giản và mộc mạc với kỹ thuật điêu khắc đến từ Khmer – Angkor mà biểu hiện của nó là kỹ thuật đục lộng rất sâu, đi vào ngóc ngách tạo nên những mảng xoắn uốn lượn phức tạp trên các đề tài trang trí rậm rạp, cầu kỳ. Sự ảnh hưởng đậm nét từ kiến trúc Khmer chính là đặc trưng nổi bật của kiến trúc, điêu khắc Dương Long.
Về chức năng tôn giáo, trong cấu trúc quần thể của tháp Chăm, những khu tháp có ba tháp song song thông thường thờ ba vị thần tối cao của Ấn Độ giáo: Brahma, Visnu và Siva, trong đó tháp Bắc thờ thần Brahma, tháp Giữa thờ thần Siva, tháp Nam thờ thần Visnu. Di tích thuộc địa phận 02 thôn: thôn Vân Tường xã Bình Hòa và thôn An Chánh xã Tây Bình, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Các ngôi tháp được xây trên đỉnh đồi (cao độ +27m so với mực nước biển), được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2015.
19. Tháp Cánh Tiên
Tháp Cánh Tiên là ngôi tháp có vị trí đặc biệt, nằm ở trung tâm thành Đồ Bàn – kinh đô của vương quốc Chămpa xưa, đây là ngôi tháp duy nhất còn lại trong kinh thành Đồ Bàn. Về vị trí, tháp Cánh Tiên được xây dựng trên quả đồi ở trung tâm của kinh đô Đồ Bàn xưa. Xét về vị trí và tính đơn nhất của ngôi tháp, có thể cho rằng tháp Cánh Tiên có ý nghĩa như một kiến trúc núi thiêng (tức biểu tượng của núi Mêru) giữa kinh đô Đồ Bàn. Xét ở khía cạnh tôn giáo, tháp Cánh Tiên có vị trí gần giống như đền núi Bayon nằm giữa đô thành Ăngco Thom của vương triều Ăngco ở Campuchia cùng thời.
Tháp cao gần 20m, bình đồ vuông, chất liệu chủ yếu bằng gạch, cửa chính của tháp hướng về phía đông, các mặt còn lại được trang trí bằng các cửa giả. Tháp được xây dựng nhiều tầng, các tầng trên là hình ảnh thu nhỏ của tầng dưới, trên các tầng tháp có các tháp góc xung quanh, những tháp góc ở đây với những phiến đá trang trí hình hoa lá nhô ra như những cánh tiên đang bay lên, hòa cùng màu gạch đỏ tươi rực rỡ, nhìn từ xa, cả ngôi tháp như một ngọn lửa khổng lồ đang lung linh tỏa sáng. Ở tháp Cánh Tiên, có một điều kỳ lạ là nửa phần phía ngoài của các cột ốp góc tường được làm bằng những khối đá sa thạch có chạm khắc hoa dây xoắn, đây là hiện tượng độc nhất trong lịch sử kiến trúc Chămpa. Không chỉ ở các cột ốp mà góc các diềm mái cũng được làm bằng đá. Do đó nếu xét về mặt cấu trúc và mỹ thuật, thì có thể nói lần đầu tiên (cho đến thế kỷ 12), với tháp Cánh Tiên các nhà xây dựng Chămpa đã cùng một lúc dùng hai chất liệu gạch và đá để xây dựng tháp.
20. Tháp Đôi
Tháp Đôi là một trong 7 cụm tháp cổ Chămpa hiện còn khá nguyên vẹn ở tỉnh Bình Định. Tháp còn có tên là tháp Hưng Thạnh, có niên đại cuối thế kỷ 12 đầu thế kỷ 13. Tháp Đôi đã được nhà nước xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Dựa vào hình dáng của 2 ngôi tháp này có thể nói là độc đáo nhất và có một không hai. Nếu những ngôi tháp Chăm truyền thống có cấu trúc phần thân vuông, phía trên là các tầng tháp thu nhỏ dần, trên góc các tầng tháp có trang trí những tháp góc, thì ở tháp Đôi về hình dáng của tháp không giống với bất kỳ ngôi tháp nào khác hiện còn, đó là một cấu trúc gồm 2 phần chính: phần dưới là khối thân vuông vức và phần đỉnh hình tháp mặt cong. Từ bộ diềm mái trở lên, Tháp Đôi không thu nhỏ giật cấp thành 3 tầng tháp như các tháp truyền thống, mà thay vào đó là cả một hệ thống nhiều tầng giả. Mỗi tầng như vậy được báo hiệu ở 4 góc tháp bằng hình chim thần Garuda đang trong tư thế đôi chân cong hơi chùng lấy thế mạnh đạp vào góc tường tháp, 2 cánh tay giơ thẳng hết cỡ như đỡ lấy sức nặng của tầng trên tháp, khuôn mặt rắn khắc khổ và dữ tợn. Đây là những tác phẩm chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của nghệ thuật Kh’mer thế kỷ 12-13.
Tổng hợp